Home > Psychology > Cảm động về tinh thần hy sinh của người dân Nhật

Cảm động về tinh thần hy sinh của người dân Nhật


Giữa đang lúc hậu quả của trận động đất khủng khiếp hơn bao giờ hết, thế giới chứng kiến những câu chuyện cảm động về tinh thần hy sinh và đùm bọc lẫn nhau của người dân Nhật Bản.

Giữa thảm cảnh, người Nhật vẫn đứng vững

Tại nhiều vùng động đất, báo Daily Mail kể về từng nhóm người lang thang giữa trời tuyết để kiếm củi sưởi và những hộp thức ăn có thể còn sót lại đâu đó giữa những đống đổ nát. Họ reo lên mỗi khi tìm thấy một lon đồ hộp hoặc một gói mì còn nguyên vẹn – tất cả sẽ được mang về chia cho mọi người. Thức ăn mang về các khu sơ tán được các phụ nữ nấu chung với gạo cứu trợ.

“Thật buồn khi nhận ra rằng, những thanh củi này từng là ngôi nhà của chúng tôi – một người dân sống ở Rizukentakata nói – Nhưng chúng tôi không có nhiên liệu để sưởi”.

Thế nhưng không vì thế mà người Nhật Bản mất đi tinh thần kỷ luật. Tại trường tiểu học Shichigo ở thành phố Sendai, nơi cư trú tạm thời của hàng trăm nạn nhân, người ta thấy những gia đình tự sắp xếp để sống chung với nhau. Mỗi gia đình sống trong một ô vuông ngay ngắn, kích thước bằng nhau được ngăn lại bằng những tấm cạc tông và mền vải – không có cảnh giành giật từng khoảng trống. Giày dép phải để ở ngoài để tránh giữ vệ sinh chung. Nhiều người chấp nhận ăn ít hơn bình thường để chia sẻ thức ăn cho mọi người – tất cả cùng nhau tồn tại. Không có cảnh la hét ồn ào – ngoại trừ tiếng trẻ em cười đùa, mọi người đều nói với nhau một cách nhẹ nhàng và bình tĩnh.

Dù bị sóng thần cuốn trôi ra biển và lênh đênh trong nhiều ngày trên một tấm gỗ từng là mái nhà của ai đó, nhưng người đàn ông 60 tuổi trong ảnh vẫn không bị quật ngã.


Một phụ nữ địu con sau lưng trong lúc nấu ăn ngay trước ngôi nhà sập vì sóng thần tại thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi hôm 15/3. Ảnh: AP.

Bài học cảm động từ một cậu bé 9 tuổi ở Nhật

Một câu chuyện cảm động về cách ứng xử tuyệt vời trong cơn hoạn nạn của cậu bé 9 tuổi ở Nhật, một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất.”

image

Một bé trai tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagy, chờ lấy nước sôi để ăn mỳ.

… Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà em lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến lượt của em thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm.

Em kể khi đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của em làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường em nhìn thấy chiếc xe và cha bị nước cuốn trôi, nhiều khả năng đã chết.

Hỏi mẹ đâu, em nói nhà em nằm ngay bờ biển, mẹ và em em chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe hỏi đến thân nhân.

Nhìn thấy em nhỏ lạnh, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người em nhỏ. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho em và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Cậu bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi tưởng em sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu bé ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.

Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cậu bé trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại…

Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Như CNN nhận xét “Những con người này, trở thành vô gia cư chỉ sau buổi chiều, đang thể hiện một tinh thần văn minh và cộng đồng khiến thế giới phải sửng sốt”.

Theo: (TTO/DT/VNE)

Categories: Psychology
  1. No comments yet.
  1. No trackbacks yet.

Leave a comment